Chị Nguyễn Thu Hương, chủ nhà hàng Bể cá, chia sẻ có rất nhiều khách hàng ở nước ngoài nhắn tin mỗi lần nhìn thấy ảnh Tết của Nhà hàng Bể cá là dù thế nào cũng cố nấu đủ món ngon cho gia đình có Tết.
Những món ăn chị bán, những mâm cỗ chị bày dường như là một Hà Nội xưa “hóa thạch”. Chúng tôi thấy lại mâm cỗ trung thu với bánh nướng, bánh dẻo vị xưa, bày cùng đèn ông sao, chiếc xe đẩy bằng tre và gỗ của những năm 70… Vị xúc xích đỏ chuẩn chỉ thương nhớ. Dường như chị có một tuổi thơ rất được chiều chuộng và bây giờ điều đó đi theo chị vào kinh doanh?
Chị Nguyễn Thu Hương, chủ Nhà hàng Bể cá: Tôi sinh ra vào năm 1979. Đó là những năm tháng đất nước vô cùng gian khó, nhưng trong “lăng kính” của tôi, đó là những ký ức ngọt ngào, ấm áp, mà ở đó, tôi tìm thấy cái đẹp trong sự giản đơn, bình dị, trong cái nghèo khó lại vẫn lấp lánh yêu thương…
Những món ngon mẹ làm, những cái tết thời bao cấp, những hộp mứt màu hồng vẽ tay, lọ hoa đồng tiền đơn, bình violet thược dược của những cái tết không đủ tiền mua cành đào, những dịp tết trung thu được đắm chìm trong sắc màu của phố Hàng Mã, rồi những năm tháng đạp xe đi học, gặm bánh mì dưới hiên trường đổ mưa… Những lát cắt ký ức ấy đã là một phần quan trọng trong tâm hồn tôi. Và một cách tự nhiên, tôi được chia sẻ tình yêu ấy với mọi người qua những sản phẩm của Nhà hàng Bể cá.
Chị tỉ mỉ trong từng chi tiết, chẳng hạn, bát canh măng với miếng măng rất ngậy nhưng nước trong và không mỡ. Và khi bày biện, nó cũng vô cùng duy mỹ. Chắc chị từng được dạy nữ công gia chánh rất kỹ lưỡng?
Chị Nguyễn Thu Hương, chủ Nhà hàng Bể cá: Tôi hoàn toàn không được đào tạo qua trường lớp nữ công gia chánh, nhưng mẹ tôi là người nấu ăn tuyệt ngon và tôi được thừa hưởng toàn bộ năng khiếu này từ mẹ. 6 tuổi tôi đã biết nấu cơm nhà và nấu cơm với mẹ hàng ngày. Từ cấp 2 trở đi, tôi đã phụ mẹ làm các bữa ngon đãi khách. Tôi nấu và đọc sách nấu ăn nhiều tới mức chỉ cần ăn một món mới là tôi sẽ biết ngay cách làm, gia vị gì, quy trình nấu ra sao. Đi tới đâu, tôi cũng học bằng cách ăn. Tôi học về nguyên liệu từ những người bán hàng, học kinh nghiệm và bí quyết từ những người nấu bếp ở tất cả những nơi tôi đi qua…
Tôi vẫn nhớ câu mẹ tôi thường nói: “Công thức chỉ để tham khảo cách làm. Con muốn nấu ngon, thì con phải biết cảm nhận và quan sát”. Khi nấu ăn đã trở thành công việc của tôi, thì đúng như những gì mẹ nói, việc tập trung vào quan sát, cảm nhận giúp ta nấu nướng chuẩn hơn, kỹ hơn, học tập được nhiều hơn, và rút kinh nghiệm tốt hơn.
Mẹ cũng là người dạy tôi về yếu tố cân bằng. Trong một bữa cơm, món lạnh phải được cân bằng cùng món nóng. Món nướng, chiên rán phải được cân lại bởi những món rau salad, hoặc muối chua. Món mặn phải được cân bằng với món luộc đi kèm… Sự cân bằng trong trình bày là sự hòa hợp giữa màu sắc nóng – lạnh, giữa sự tỉ mỉ và tối giản.
Trong số nhiều người kinh doanh ẩm thực, trên trang bán hàng của chị, có thể thấy tư duy marketing rất rõ nét. Chị học tư duy đó ở đâu, ảnh hưởng của ai?
Tôi là dân trong ngành marketing và quảng cáo. Nhưng khi làm Nhà hàng Bể cá, tôi đã loại bỏ tất cả những nguyên tắc tiếp thị, những kịch bản khuyến mại, những thủ pháp giúp thúc đẩy doanh số… để giữ một Nhà hàng Bể cá thật thà, trong veo như một nếp nhà xưa lưu giữ ký ức và những hương vị truyền thống.
Nếu áp dụng những nguyên tắc digital marketing, có lẽ tôi đã hàng ngày lên Live stream bán hàng ra rả. Các sản phẩm món ăn sẽ được chụp thật nổi, thật to trên nền trắng. Các hình ảnh luôn phải gắn kèm theo giá cả, số điện thoại và logo, sẽ phải luôn có các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng voucher khuyến mại, kích cầu… Nhưng tôi đã hoàn toàn không làm điều đó.
Tôi tôn trọng sự yên tĩnh và quyết định độc lập của khách hàng. Tôi muốn khách hàng không chỉ được nhìn thấy món thịt kho mà còn nhìn thấy cả mùa hè với đĩa rau muống luộc, cà pháo. Tôi không chỉ muốn bán món canh măng, mà tôi còn muốn khách hàng của mình trở về với bếp than hồng ấm áp năm xưa.
Tôi không chỉ bán xúc xích đỏ, mà tôi còn muốn mọi người tìm lại hương vị bánh mì đặc trưng riêng có của Hà Nội. Khách hàng đến Nhà hàng Bể cá không chỉ để mua đồ ăn, mà họ còn được trở về với ký ức đẹp, với truyền thống xưa, với tình yêu gia đình. Mọi cảm hứng sáng tạo của tôi đều bắt nguồn từ sự tìm kiếm và nâng niu những thứ tưởng chừng như đã mất đi trong cuộc sống.
Trước giờ mọi người vẫn nói đến nữ công gia chánh, và chị hiện giờ đang làm việc tạm gọi là nữ công… kinh doanh. Nghĩa là cung cấp dịch vụ thay thế việc gia chánh của phụ nữ. Chị nghĩ sao về điều này, nó có triệt tiêu khả năng nữ công gia chánh của phụ nữ không, và nếu nó triệt tiêu thì có sao không?
Tôi lại nghĩ ngược lại. Nữ công kinh doanh thúc đẩy tình yêu và sự đam mê nữ công gia chánh. Khi bạn là khách hàng mua dịch vụ nữ công kinh doanh, có nghĩa là bạn yêu thích và mong muốn giữ gìn nền nếp và hương vị truyền thống. Trong một hoàn cảnh phù hợp, khi thời gian cho phép, tình yêu đó sẽ biến thành hành động. Có rất nhiều khách hàng ở nước ngoài nhắn tin là mỗi lần nhìn thấy ảnh tết của Nhà hàng Bể cá là dù đang ở nước ngoài cũng vẫn phải nấu đủ món ngon cho gia đình có tết. Rất nhiều khách hàng, ban đầu chỉ biết mua đồ của Nhà hàng Bể cá về ăn mà không nấu, nhưng trong đợt cách ly xã hội vừa qua đã trở thành những người phụ nữ “nữ công gia chánh” hoàn hảo.
Khi có tình yêu, người ta sẽ làm được tất cả. Tôi rất tự hào mình không chỉ là người bán đồ ăn, mà chúng tôi đã “bán” được cả tình yêu gia đình, tình yêu truyền thống, tình yêu những món ngon được làm ra bởi những bàn tay nữ công.