Món ngon cỗ Tết Hà Nội

Các đầu bếp khéo léo của nhà hàng Bể Cá (64 Tô Hiến Thành, Hà Nội) giới thiệu mâm cỗ Tết Hà Nội, với những món đậm chất truyền thống và có thêm cả món ngon được lựa chọn từ các miền.

Theo tục lệ cũ, mâm cỗ Tết chiều 30 là để tạ lễ các vị thần linh trong nhà, đón ông bà Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết, trang nghiêm. Mâm cỗ cúng của người Hà Nội thường gồm: 4 bát, 4 đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… Các bát gồm canh măng móng giò, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà hoặc chim hầm hạt sen; Đĩa gồm đĩa xôi hay bánh chưng, đĩa gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối. Gà phải là trống thiến được làm sẵn từ chiều 30 (còn gà cúng mâm giao thừa thường là gà sống hoa hay còn gọi là gà giò, gà sống nhỏ chưa nhảy mái). Với quan niệm để đón các vị hành khiển đi tuần, không có thời gian vào nhà, nên mâm cỗ thường được bày ngoài sân hoặc trước cửa chính.

Còn trên bàn thờ, nhất thiết phải có ngọn đèn dầu hoặc đôi nến để thắp sáng.

Canh bóng thả nấu từ bóng bì với nước dùng gà, tôm khô Cà Mau thơm phức cùng các loại chân tẩy như carot, thịt nạc thăn, nấm bao giò, đậu hoà lan, súp lơ xanh, trắng, su hào và trứng chim cút. Đây là một trong những món không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống.

Bánh chưng phải có dưa hành. Nếu có nồi cá trắm kho ăn với bánh chưng lại càng hay. Bánh chưng nhạt, bùi vị đỗ, béo ngậy thịt mỡ quyện vị mặn mòi của cá kho ngon giúp bánh chưng đỡ ngán và dễ ăn hơn. Hành muối ăn kèm để bánh chưng để cân bằng và giúp cái bao tử đỡ bị đầy.

Ngoài giò lụa, giò thủ, các bà nội trợ Hà Nội có thể đổi vị bằng loại giò khác, ví dụ như món giò gà nấm này.

Lõi bò hay bắp bò ngâm mắm là món Tết của người miền Trung được du nhập ra Bắc, rất hợp để nhấm nháp chén rượu trong thời tiết giá lạnh. Lõi bò ngâm nước mắm có thể để được tới 6 tháng trong tủ lạnh, khi ăn chỉ việc cắt lát ra. Thịt bò thơm mùi quế hồi, thơm cay vị tỏi ớt, đậm đà vị vị mắm thêm chút ngọt và chua dịu. Miếng bò ngâm nước mắm xong cứng như gỗ lim nhưng khi lát mỏng ra lại rất mềm, dễ ăn.

Giò hoa ngũ sắc là món Tết từ miền Nam đưa ra. Miền Bắc có phiên bản tương tự gọi là Trứng hấp vân. Giò hoa ngũ sắc khi ăn nguội thì ngon tương tự như đồ nhắm. Nhưng chỉ cần làm nóng trong vi sóng khoảng 20 – 30 giây hoặc hấp vào nồi cơm, nó trở thành món ăn kèm cơm ăn rất ngon. Miếng giò hoa cắt ra cho vào vào bát bún mọc hoặc bún thang ăn ngày Tết nhẹ nhàng dễ chịu.

Chè kho gấc và chè kho truyền thống cùng mứt quất kết hợp thành mâm cúng ngọt dâng cúng Giao thừa.

Để nấu chè kho, phải đồ đỗ, xào đỗ rồi lại pha loãng ra với nước, đường kính và khuấy đều lửa nhỏ chừng 3h đồng hồ, chờ tới khi đặc lại. Chè có thể được đổ ra đĩa mỏng rắc vừng rang thơm và chút vani. Nếu có khuôn, bạn có thể đóng khuôn như kiểu của Nhà hàng Bể Cá làm trong hình. Chè kho thường dùng cùng trà xanh Thái Nguyên hoặc các loại trà ướp hoa như trà sen, trà nhài, trà cúc.

Mứt quất và kẹo lạc là 2 món không thể thiếu cho bàn trà tiếp khách ngày Tết, vì mỗi món mang đến những cung bậc hương vị khác nhau cho chén trà Việt. Mứt quất truyền thống phải dẹt như những cánh hoa, mỏng trong vắt, chua ngọt, xen chút the the của vỏ quất thơm tho, kết hợp rất khéo với vị trà chát mà ngọt hậu. Kẹo lạc đúng chuẩn phải nhiều lạc, ít nha, ăn ko dính răng, ít ngọt mà giòn tan thật bùi và thơm.