Sống chậm mùa dịch, nhiều gia đình Việt làm mâm cỗ gợi nhớ Tết xưa

(Dân trí) – Không “mâm cao cỗ đầy” hoành tráng, nhiều gia đình Việt đón năm mới bình dị theo cách riêng với những món ăn gợi nhớ hương vị Tết xưa sau một năm đầy “biến động” vì dịch Covid-19.

Những mâm cỗ gợi nhớ Tết xưa 

Nếu như trước đây, cách Tết Nguyên đán độ một tháng, chị Hoài Trang (sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tất bật lên ý tưởng sắm sửa mâm cỗ đầu năm mới với danh sách thực đơn cả chục món khác nhau thì năm nay, không khí đón Tết của gia đình có phần trầm lắng và giản dị hơn hẳn.

Do dịch bệnh, người dân cả nước đều bị ảnh hưởng cả về mặt tinh thần lẫn vật chất nên năm nay, chị Trang làm mâm cỗ Tết giản dị, không phô trương nhưng vẫn đầy đủ, tươm tất để cầu mong năm mới bình an cho gia đình và mọi người.

Mâm cỗ Tết của gia đình chị gói gọn trong 6 món gồm: bánh chưng, canh bóng, rau củ luộc, chả nem, chả quế, tai heo ngâm giấm. Đây đều là những món ăn quen thuộc mà bà, mẹ và chị thường chuẩn bị mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Sống chậm mùa dịch, nhiều gia đình Việt làm mâm cỗ gợi nhớ Tết xưa - 1
Mâm cỗ tươm tất, bình dị gồm những món ăn quen thuộc, gợi nhớ nhiều kỷ niệm về hương vị Tết xưa.

Nhớ về mâm cỗ Tết xưa, chị Trang kể: “Đối với mình, những món ăn cổ truyền như bánh chưng, chả nem, canh măng,… không thể thiếu trong dịp Tết.

Đây là những món luôn có trong mâm cơm Tết của gia đình mình từ thời bà và mẹ. Những món ăn ngày Tết ấy còn mang nét đẹp văn hóa của dân tộc, thể hiện nếp sống bình dị qua nhiều thế hệ trong một nhà”. 

Sống chậm mùa dịch, nhiều gia đình Việt làm mâm cỗ gợi nhớ Tết xưa - 2
Mâm cỗ ngày Tết trong mùa dịch được bài trí đơn giản nhưng vẫn đủ đầy, dâng lên tổ tiên, báo cáo về một năm trôi qua đầy “biến động” của gia đình Việt.

Bên cạnh đó, chị Trang cũng quyết định không mua cây đào, cây quất mà tiết kiệm hơn, chỉ cắm vài bông hoa, cành cây tươi nguyên quả để trang trí nhà cửa dịp Năm mới. 

“Năm nay trào lưu cắm cành cà phê, cành hồng,… được nhiều chị em hưởng ứng, tuy tối giản nhưng vẫn đảm bảo đẹp, có tính thẩm mỹ để gợi không khí Tết xưa trong gia đình. Ngoài ra, mọi người có thể chọn cành chuối rừng hay bông lúa, hoặc cành tre,…

Đây là những loại cây quen thuộc, mộc mạc, gần gũi trong đời sống người Việt bao đời nay, nhất là ngày Tết cổ truyền. Một số loại cây còn có ý nghĩa đuổi tà ma, cầu mong cho một năm an lành, sung túc”, chị Trang bày tỏ. 

Với người phụ nữ dành tình yêu đặc biệt cho văn hóa Việt, mỗi món ăn cổ truyền đều chất chứa những kỷ niệm tuổi thơ như ngồi trong bếp đầy khói miệt mài gói chả nem cho mẹ hay thức khuya canh nồi bánh chưng, hái lá chuối, nhào bột để bà gói bánh nếp,… Chị cũng có chút tiếc nuối khi không khí Tết xưa không còn vẹn nguyên, dần bị mai một và chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người.

Sống chậm mùa dịch, thêm yêu Tết xưa

Đáp ứng nhu cầu, xu hướng tối giản mâm cỗ trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, các nhà hàng dịch vụ cũng ưu tiên các mâm cỗ truyền thống mang hơi hướng Tết xưa, giản dị, ấm cúng, không bày biện khoa trương, hoành tráng. 

Chị Nguyễn Thu Hương – chủ một cửa hàng thực phẩm chuyên phục vụ các món ăn truyền thống trên phố Tô Hiến Thành (Hà Nội) cho biết: “Thói quen mua sắm dịp Tết của người dân đã thay đổi khá nhiều từ Tết Nguyên đán năm ngoái. Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống kinh tế của người dân nên việc mọi người thay đổi thói quen mua sắm cũng là điều dễ hiểu. 

Tuy nhiên vào những ngày cuối năm, tâm lý sắm Tết vẫn nhộn nhịp. Các gia đình dù giàu nghèo ra sao vẫn mong muốn có cái Tết tươm tất, dù tiết kiệm nhưng vẫn ưu tiên đồ tốt, chất lượng vì sức khỏe và an toàn cho cả gia đình”. 

Sống chậm mùa dịch, nhiều gia đình Việt làm mâm cỗ gợi nhớ Tết xưa - 3
Các gia đình Việt thay đổi thói quen, chuẩn bị mâm cỗ cổ truyền với các món ăn mang đậm hương vị Tết xưa sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Thu Hương).

Chị Hương chia sẻ thêm, trong triết lý của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, mọi sự sắp đặt đều phải hướng tới sự cân bằng và có ý nghĩa, hướng đến sự tốt lành. Đó là lý do trong mâm cỗ Tết cổ truyền thường có 10 món, bởi số 10 hướng tới sự hoàn hảo. Với những mâm cỗ nhỏ, mọi người thường sẽ làm 5 món hay mâm ngũ quả (5 thứ quả) tượng trưng cho ngũ hành. 

Mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội tuy rất nhiều món nhưng vẫn luôn đề cao tính cân bằng về vị giác, Tết không thể thiếu “thịt mỡ – dưa hành”.

Những món đặc trưng như bánh chưng, giò thủ, thịt đông sẽ luôn đi kèm với hành tím muối chua ngọt. Các món rán như nem tôm sẽ được cân bằng bởi nộm su hào đúng vụ xuân. Các món canh nóng giúp ấm bụng như canh măng lại được cân bằng thêm bởi canh bóng thập thanh với các loại rau củ, giò sống nấm và tôm khô. 

Sống chậm mùa dịch, nhiều gia đình Việt làm mâm cỗ gợi nhớ Tết xưa - 4
Xu hướng “sống chậm”, nhớ về Tết xưa của thời ông bà, cha mẹ dần “lên ngôi” trong mùa dịch (Ảnh: Nguyễn Thu Hương).

Các món ăn cũng được chia ra thành nhóm: khai vị, ăn chơi và ăn no. Nhóm khai vị sẽ có nem chua, giò thủ, hành tím muối để uống chén rượu. Nhóm ăn chơi có nem tôm, gà luộc, giò hoa, ăn với nộm su hào. Nhóm ăn no sẽ có canh măng canh bóng, ăn với một chút cơm nóng và bánh chưng ăn với cá kho hoặc thịt đông và dưa hành. 

Ẩm thực ngày Tết ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng từ Bắc – Trung – Nam. Một số món Tết truyền thống của miền Trung và miền Nam như: bắp bò ngâm nước mắm, tai lợn ngâm dấm của miền Trung, chua ngọt Huế, dưa món để ăn kèm với bánh chưng, hay thịt kho trứng và nước dừa tươi của người Nam bộ. Một số sản vật ngày Tết Tây Bắc thường thấy là lạp xưởng hun khói, trâu gác bếp của Cao Bằng, Bắc Kạn.

Người Việt quan niệm, cái gì ngon phải dành cho Tết. Chính vì thế Tết cũng là ngày hội để “trình diễn” đặc sản thực phẩm từ khắp vùng miền, tôn vinh những sản phẩm Việt truyền thống. 

“Dịch bệnh đã thay đổi lối sống, thói quen của mọi người. Mùa Tết trong dịch, mọi người ở nhà nhiều hơn, quan tâm đặc biệt tới sức khỏe cũng như chăm chút gia đình, nhà cửa.

Một số gia đình có con nhỏ sẽ tranh thủ thời gian dạy con cái cách tổ chức một ngày Tết sao cho ý nghĩa hay làm các món Tết tại nhà và cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, nấu những món ngon,… Đó là những giá trị văn hóa cần phát huy trong đời sống của người Việt dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào”, chị Hương chia sẻ. 

Với tất cả người Việt, ngày Tết cổ truyền còn là hồn cốt và niềm tự hào mà dù đi đâu xa cũng đều hướng về quê hương, nguồn cội. Đó cũng là điều làm nên sự khác biệt của người Việt với các dân tộc khác. Nghĩ về Tết là nghĩ về tình cảm gia đình, sự đoàn viên, sung túc, quên đi những bộn bề và cầu mong cho một năm mới tốt đẹp hơn. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người Việt cũng luôn nhớ và trân quý những giá trị Tết xưa mà ngày nay, thật khó để tìm kiếm!